Họa sĩ Tôn Thất Sa (1882-1980). Ảnh tư liệu Trường Thăng
Trong số các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam đầu thế kỷ 20 chúng ta phải kể đến ông Tôn Thất Sa. Tổ tiên ông thuộc dòng Chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa tài hoa, rất sùng Phật nhưng ngược lại tỏ ra quá hà khắc với đạo công giáo mà những trang Giáo sử Việt Nam còn ghi đậm nét.
Trong số 38 con trai, ông hoàng tử thứ 5 là Nguyễn Phúc Hải. Ông Nguyễn Phúc Hải sinh Nguyễn Phúc Thọ. Ông Nguyễn Phúc Thọ sinh con thứ 4. Nguyễn Phúc Du ( tức Tôn Thất Du). Theo tác giả Lê Ngọc Bích viết theo lời kể của cháu ngoại ông Tôn Thất Sa là Trương Minh Tâm thì ông Tôn Thất Du gia nhập giáo hội công giáo và kết hôn với bà Nguyễn Thị Đăng Bích . Kết quả cuộc hôn nhân là 6 đứa con, 2 trai, 4 gái. Con thứ hai là Tôn Thất Đề và thứ 4 là Tôn Thất Sa (sinh ngày 15-1-1882, mất ngày 22-2-1980).
Chi tiết ông sinh ngày 15-1-1882, hai năm trước biến động Tôn Thất Thuyết tấn công Đồn Mang Cá mà hậu quả là quân Pháp phản công và chiếm đóng Kinh thành Huế năm 1885. Cuộc tháo chạy của hoàng gia triều Nguyễn ghi lại một dấu ấn kinh hoàng được gia đình ghi nhớ rất kỹ. Cậu bé Tôn Thất Sa 2 tuổi đang sống tại vương phủ Kim Long, được bỏ vào quang gánh gánh chạy. Lên 10 tuổi, gia đình mới trở về Kim Long. Thuộc hoàng phái nên vào thời kỳ đó có thể rất “dị ứng” với đạo công giáo nên việc ông Tôn Thất Du, thân phụ Tôn Thất Sa thực sự gia nhập giáo hội công công giáo trước năm 1882 khó chứng minh. Tuy nhiên năm 1894, ông đã gửi con là Tôn Thất Sa học với linh mục Dangelzer và chính cậu dần dần cảm mến đạo và nhận Bí tích gia nhập giáo hội sau đó. Nhận thấy Tôn thất Sa có năng khiếu vẽ, linh mục Dangelzer gửi cậu sang chủng viện Phú Xuân gần đó để học hội họa và nặn tượng với linh mục Renaud, giám đốc chủng viện Phú Xuân. Tôn Thất Sa càng ngày càng tỏ ra xuất sắc trong ngành mỹ thuật đồ họa. Vào khoảng 21, 22 tuổi, ông đã yêu và cưới cô Maria Phan thị Nữ, một cô gái ngoan hiền thuộc một gia đình công giáo tại Vạn Xuân, Kim Long, em cha Vĩnh, con ông Phát.
Gia đình họa sĩ Tôn Thất Sa. Ảnh tư liệu Trường Thăng
Khi người Pháp mở trường Kỹ Nghệ Huế (Ecole professionnelle), ông được mời dạy môn kỷ thuật hội họa và sau đó chính thức là giáo sư trường nầy. Quảng năm 1920, thầy còn dạy họa cho các học sinh trường Quốc Học, Đồng Khánh, Jeanne d’Arc, Pellerin.
Họa sĩ Tôn Thất Sa đã cộng tác đắc lực với báo Bulletin des Amis du Vieux Huế, đặc biệt với linh mục Chủ bút Léopold Cadiere trong việc minh họa các bài viết. Từ năm 1906 cho đến 1944, các tranh màu nước và khắc gổ của họa sĩ Tôn Thất Sa là kho tàng vô giá cho các thế hệ tiếp theo. Chỉ riêng cuốn L’art de Huế (Nghệ thuật Huế đã giúp không những người nước ngoài mà cả người trong nước nhất là những thế hệ sinh sau đẻ muộn tự hào về nền Mỹ thuật Việt Nam) và đã giúp ích rất nhiều cho việc trùng tu phục chế.
Họa sĩ còn để lại những công trình tô điểm cho Huế như Đài Kỷ niệm bên bờ sông Hương, Lầu chuông Quốc Học, Long mã phù đồ, Khổng miếu Hội An… Họa sĩ đã được triều đình Huế ban chức Hiệp sĩ Triều đình và xếp vào bậc Hồng Lô Tự Khanh. Chính nhờ công sức và tài năng phục vụ, ông đã được nhận được nhiều huân chương cao quý của triều đình Việt Nam, người Pháp , Campuchia….
Trên chiếc áo dài ông mặc, tôi nhận thấy rất nhiều huy chương Việt, Pháp và tại gia đình rất nhiều hình ảnh bằng khen của triều đình và các nước Pháp, Campuchia, Lào…Theo đề nghị của tôi, chị Yến, ái nữ cụ Tôn Thất Sa đã chuyển nhưng tư liệu quý nầy vào nhà truyền thống Giáo phận Huế.
Về phía Giáo hôi công giáo, họa sĩ đã để lại nhiều tác phẩm quý giá như tượng đồng sư huynh Aglibert, trường Bình Linh; tượng thánh Giuse nhà thờ Đốc Sơ, đài tử đạo và các tượng thánh tại nhà thờ Kim Long…
Họa sĩ còn vẽ nhiều huy hiệu cho các vị giám mục Việt Nam như Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục, Lê Hữu Từ, Trần Văn Đoàn, Trịnh Như Khuê, Phạm Ngọc Chi….( theo Lê Ngọc Bích).
Ngoài ra, họa sĩ còn là một thi sĩ, sáng tác nhiều bài thơ Đường khá hay mà có lẽ chúng ta sẽ bàn thêm trong một bài khác.
Tình bạn giữa ông và linh mục Giuse Nguyễn văn Thích, cũng khá đặc biệt. “Ở thành phố Huế, vào những năm 1960, người ta thường thấy hai cụ già chuyên đi xe đạp hiệu Saint – Etienne cổ lổ đó là cụ Tôn Thất Sa và linh mục J. Nguyễn Văn Thích. Những năm cuối đời, cụ Tôn Thất Sa và Nguyễn Văn Thích thường lui tới đàm đạo với nhau” ( Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, tập I, trang 135).
Tôi nghe nói có thời cụ Sa và cha xứ có vấn đề gì đó nên cụ không xưng tội, chịu lễ, sau chính nhờ linh mục Giuse Nguyễn Văn Thích khuyên nhủ mà cuối đời cụ lại hiệp thông với giáo hội. Cả hai tuy mới gia nhập đạo Chúa nhưng đã đóng góp nhiều công sức vào việc hội nhập văn hóa và minh chứng cho mọi người biết rằng đức tin công giáo không làm cho con người quên đi nguồn cội hoàng gia, quý tộc và Việt Nam của mình, mà là dịp tốt làm thăng hoa những truyền thống cao quý tổ tiên và nền văn hóa cổ truyền trong lòng Giáo hội công giáo và trên toàn thế giới.
Cụ Tôn Thất Sa vui sống tuổi già tại Kim Long. Rất tiếc là những trận lụt kinh hoàng tại cố đô Huế và những cuộc chiến tranh liên miên đã làm hư hỏng và tiêu hủy nhiều bộ sưu tập quý của gia đình như bộ Bulletin des Amis du Vieux Huế, nhiều bản vẽ của họa sĩ.
Cụ Đaminh qua đời trong an bình ngày 22- 2- 1980 tại Kim Long.
Từ ngày cụ mất đi, trong giáo hội công giáo Việt Nam chưa thấy xuất hiện một họa sĩ tài ba nào mang tầm vóc Tôn Thất Sa.
Linh Muc Anton Nguyễn Trường Thăng
http://antontruongthang.com/vh-ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt/doi-net-v%E1%BB%81-h%E1%BB%8Da-si-da-minh-ton-th%E1%BA%A5t-sa-1882-1980/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét