Bức bình phong Long Mã Phù Đồ ở Khổng Miếu Hội An
Hai từ bình phong nghe quá quen thuộc và cũng thường dùng trong câu chuyện hoặc khi viết lách. Chẳng hạn:
- Thôi, ông đừng dùng nàng như cái bình phong che dấu cái bản mặt xấu xa của ông!
“
Núi Ngự được coi là tấm bình phong che chở cho kinh thành Huế “. Nhưng
truy nguyên hai chữ bình phong là chuyện không dễ, chưa nói đến chuyện
phong thủy, phân loại, giải thích bình phong trong nhà ngoài vườn.
Tìm
vào Internet tôi thấy hai bài rất giá trị. Bài thứ nhất: Bình phong và
non bộ trong kiến trúc cung đình Huế của tác giả Thạc sĩ Phan Thanh Hải.
Ông giải thích hai từ bình phong như sau:
“
Bình phong xuất phát từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức
năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu
và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Non bộ lại là sự kết hợp giữa nước
(thủy) và đá (thạch), chức năng ban đầu chủ yếu là kết hợp với bình
phong để cản bớt hỏa khí, “tụ thủy, tích phúc” cho gia chủ. Về sau bình
phong, non bộ mới kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và dẫn dần trở
thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống”
Nguồn : Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Còn bài Long mã ở Huế của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết thêm về những bình phong ở Huế
“
Theo nguyên lý Ngũ hành tương sinh (Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy
sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ) thì có thổ trạch (đất/nhà) mới có
chủ nhân (Kim); chủ nhân sinh ra con cháu (Thủy) và điều khiển thê
thiếp, nô bộc (Mộc). Nếu ngôi nhà quay về phương Nam thì hành Hỏa càng
thêm vượng, vì phương Nam thuộc hành Hỏa. Theo nguyên lý Ngũ hành tương
khắc (Hỏa khắc Kim; Kim khắc Mộc; Mộc khắc Thổ; Thổ khắc Thủy; Thủy khắc
Hỏa), Hỏa quá vượng sẽ gây tổn hại cho gia chủ (Kim). Vì thế cần phải
có bình phong án ngữ phía trước để cản bớt Hỏa khí. Vì lý do này mà hầu
hết các cung điện, đền thờ, đình làng, nhà thờ họ tộc, nhà của thường
dân ở Huế đều có bình phong án ngữ phía trước. Và linh vật được chọn lựa
để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là long mã. Trên
các bức bình phong, long mã được thể hiện theo điển tích “Long mã phụ Hà
đồ”: lưng mang Hà đồ (để dâng cho vua Phục Hi), chân lướt trên sóng
nước, đầu vươn tới các tầng mây. Bình phong long mã nổi tiếng nhất ở Huế
chính là bức bình phong xây dựng năm Thành Thái bát niên (1896) ở
trường Quốc Học Huế. Long mã trên bình phong này là nguyên mẫu của hình
ảnh long mã trên logo của Festival Huế”
Từ
nhỏ vào nhà nào có bình phong, tôi có cảm giác rằng họ gia giáo, giàu
có. Nhiều lần đi một mình ngang qua miếu cổ, với những cây đa to lớn,
cành lá um tùm, rậm rạp , mắt chạm phải con hổ bình phong nhe nanh,
giương vuốt cũng thấy hơi rờn rợn. Khung cảnh gợi lên chốn linh thiêng
và cổ kính. Ngày nay, đất có giá nên thần thánh cũng phải rút lui nhường
chỗ cho những kẻ tham tiền. Vậy mà họ vẫn sang sảng dạy đời : bảo tồn,
bảo tàng. Bỏ tàn thì có!
Lớn
lên, tuy không hiểu nhiều về nghệ thuật nầy nhưng tôi rất thích thú
chiêm ngưởng các loại bình phong đơn sơ nơi thôn dã, hay to lớn, cầu kỳ
tại các đền chùa, miếu mạo Ba miền Trung, Nam, Bắc, nhất là tại cố đô
Huế , dù chưa phân biệt tinh tường mức độ nghệ thuật.
Tôi
chỉ nhớ một lần linh mục Anrê Phạm Năng Tĩnh, một tiến sĩ Lịch sử, một
người rất am tường về nghệ thuật Việt Nam, cả Trung, Nam, Bắc, nay đã
qua đời, cho biết:
“ Bức bình phong Long Mã Phù Đồ ở Khổng Miếu Hội An đẹp nhất Việt Nam ”
Tôi ghi vào bộ nhớ câu nói này và tìm dịp tiếp cận. Năm 1970, tôi có dịp ghé qua Hội An, lại được trang bị máy ảnh Leica M.3 có ống kính “tê lê 135” ( chụp xa) và phim màu Kodakchrome “ oách nhất” thời bấy giờ. Tôi không bỏ cơ hội ghi hình. Vì phim đắt tiền, phải gởi tận sang Mỹ tráng và làm “xờ lay” ( slide) nên chỉ chụp được mấy tấm thôi.
Không ngờ mấy tấm ảnh ấy và cả mấy trăm slides sau nầy làm tôi “ sút ký”.
Năm
chiến tranh Việt – Trung bùng nổ, phong trào chống “mê tín dị đoan” được
phát động rầm rộ, cùng với phong trào cải tạo mặt bằng, hợp tác hóa.
Nhiều công trình tâm linh của ông bà khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh
thành khác bị xóa sổ. Miếu mạo được liệt vào loại mê tín nên giữ lại làm
gì khi người ta tiến lên xây dựng xã hội mới, “ quy hoạch theo nếp sống
văn minh”. Nghe nói Bí thư Quảng Nam- Đà Nẵng Hồ Nghinh lừng danh trong
chiến đấu và trong thời bình, ở xã Duy Trinh, cận kề Duy Sơn xã tôi
thường trú, mà mồ mã cha ông cũng phải di dời thì ai mà cản nỗi bánh xe
lịch sử được!
Ở
Trà Kiệu, cách xa 30 chục cây số mà tin buồn Khổng Miếu bị đập bỏ làm
tôi xót xa. Rất lâu sau nầy về đến Hội An mới biết bình phong và các
loại trang trí bị dẹp bỏ mà thôi. Ngôi nhà, cây cầu còn đó nằm trơ vơ
như trên một đám đất hoang.
Cái khổ là lịch sử lập lại như Kinh Thánh đã báo trước “ ...Có thời đập phá rồi có thời xây lại ”
( Sách Giảng Viên – Qohelet- 3,3 ). Khi Hội An được công nhận là di sản
văn hóa thế giới bà con Hội An mới tiếc “ đứt ruột” những di tích ngày
xưa. Nghe đâu cũng những vị phụ trách đập phá xưa, nay lại hô hào trùng
tu, quả là bi hài kịch.
Không
biết việc trùng tu có giống được nguyên bản bao nhiêu phần trăm? Muốn
giống hệt phải có tài liệu lưu trữ mà về phần nầy tôi không chắc có ai
bảo tồn. Mà có giống cũng chẳng quý…một mãnh gốm thế kỷ 18 phải giá trị
hơn loại cuối thế kỷ 20.
Rồi cũng trùng tu xong…Không ai buồn so sánh cũ mới thế nào.
Riêng
tôi, nhớ lại mình có chụp mấy tấm ảnh Khổng Miếu, Chùa Cầu, Đài kỷ
niệm xưa…nay không biết để đâu, còn hay mất qua bao tang thương vật đổi
sao dời. Thế là phải chạy đôn chạy đáo lục lọi quá khứ, xem mình để chốn
nào. Cuối cùng thì tôi đã moi chúng ra được. Nhưng làm sao mà chuyển từ
slide sang ảnh kỷ thuật số đây khi máy xem “ xì lay” không ai còn giữ.
Cái máy Voigtlander tự động quý giá, Zettomat II, tối tân bậc nhất thời
đó, lại không chịu hoạt động, vì lâu năm không dùng đến, kể như vô
dụng. Tuy nhiên, “cùng tắc biến”, tôi quyết định phá bỏ tất cả các thứ
máy móc lỉnh kỉnh, chỉ giữ lại phần các thấu kính. May mắn là bóng đèn
chưa cháy. Mày mò “ sáng chế và phát huy sáng kiến” mãi rồi cũng thành
công nên hôm nay tôi mới có thể viết bài nầy.
Trở lại Khổng Miếu Hội An để tìm hiểu ai là tác giả bình phong nầy?
Cổ
Học Tinh Hoa Văn Tập, số đặc biệt Khánh Thành Khổng Miếu và Đài Kỷ niệm
của Tỉnh Hội Việt Nam Cổ học Việt Nam năm 1962 có nhiều thông tin về
Khổng Miếu và Bình Phong Long-Mã Phụ Đồ.
Tác giả là “ Lão Họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ kiểu và các tay thợ điêu luyện chốn Đế kinh thực hiện. Tốn phí hết 11.000$” . Trong sách đó cũng bàn nhiều về con Long Mã, Đồ Thư, Ngư Tiều Canh Mục.
Một góc tấm bình phong LONG MÃ PHÙ ĐỒ. Ảnh Trường Thăng.
Long Mã mang ý Long hóa Mã. Tác giả cho biết lẻ ra phải có bốn câu thơ sau cho kẻ “ tò mò” hiểu ý nghĩa.
Trước gió phất phơ Long hóa Mã.
Trên mây lấp loáng Mã thành Long.
Đồ thơ chở nặng nền luân lý
Cảnh vật phô bày cuộc biến thông.
Vậy
đây không phải là một con ngựa nòi, một chiến mã, dù to đẹp mà là con
Long Mã chở Đồ thư tức Hà Đồ, Lạc Thư tạo nên nền văn tự, văn học, văn
hóa, văn minh, triết học Á Đông. Chồng sách trên lưng tượng trưng cho Đồ
Thư, Long Mã chở nền luân lý cương thường. Con Long Mã Festival Huế thì
thấy chạy khơi khơi không mang thứ gì cả?!
Ngư ông chính là Khương Tử Nha , tức Lã Vọng…chờ minh chúa.
Tiều
phu là Chu Mãi Thần chưa gặp thời đi kiếm củi nhưng luôn mang sách
theo…dùi mài kinh sử. Ông vừa gánh củi vừa đi, vừa đọc khiến thiên hạ
liệt vào hạng điên khùng. Nhờ đó mà:
Vai gánh củi, học thời luôn miệng
Chu Mãi Thần nên tiếng Danh Nho.
Canh
( nông ?), người đi cày là Y Doãn, khai quốc công thần đời nhà Thương,
giúp vua Thương Thành Thang diệt chế độ hà khắc nhà Hạ, trở thành
minh quân nhà Thương. Hai từ cách mạng, kách mệnh phát xuất từ thời kỳ
nầy “Thang-Võ cách mệnh”, ý nói lấy vương đạo mà thay cho bá đạo.
Mục đồng, nhắc lại anh chăn trâu Lý Mật, đời Đường. Chăn trâu thuê mà mà sách treo trên sừng để học.
Nhắc nhở mọi người gương hiếu học .
Lý Sinh chẳng quản công phu.
Chăn trâu treo sách một pho trên sừng.
Tại Trung Quốc câu “ Ngưu giác quải thư ”, sừng trâu treo sách là thành ngữ thông dụng.
Trên
bình phong còn có hai vật tượng trưng khác : một bên bút lông vươn cao,
một bên chuôi kiếm cắm xuống. Kiếm bút là đồ dùng học trò thời xưa,
tượng trưng văn võ toàn tài.
Hóa
ra người xưa làm gì cũng có ý có tứ, nhằm giáo hóa con người. Khốn nổi
con cháu họ quá “văn minh” nên hiểu không ra, đập quách cho xong.
Nói
đến “ Lão Họa sĩ Tôn Thất Sa” là phải ” hạ mã”… xuống…Honda (ngựa ngày
nay), ngã mũ chào bái phục. Khi còn trẻ mà thầy Tôn Thất Sa đã khiến
thiên hạ Đông Tây kính trọng với bao công trình sừng sửng với thời gian
như Đài Chiến sĩ Trận Vong Huế. Theo thông tin trên Internet thì “Đài
được khởi công xây dựng ngày 12/5/1920, hoàn thành ngày 18/9/1920. Đồ
án thiết kế đài tưởng niệm này của ông Tôn Thất Sa, giáo viên hội họa
trường Bá Công Huế. Đài được xây dựng dưới hình thức một chiếc bình
phong truyền thống có mái che giả ngói. Thân và bệ đài được trang trí
bằng các mô típ rồng, lân, chữ thọ cách điệu, mai, lan, cúc, trúc hết
sức linh hoạt, và đạt hiệu quả cao. Phía trước đài, xây hai trụ biểu cao
bằng gạch khiến đài càng có vẻ uy nghiêm.” Họa sĩ Tôn Thất
Sa còn nhiều công trình khác như những bức tranh màu nước và đồ họa
trang trí cho tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế ( Đô Thành Hiếu
Cổ).
Đài Chiến sĩ Trận Vong Huế
Chị Tôn nữ Thị Yến, cô gái rượu của bố Thất Sa, hiện sống tại Kim Long cho biết : "Ba tôi nổi tiếng vẽ rồng". Rồng Tôn Thất Sa chắc phải đứng riêng một cỏi trong số rồng trang trí Nhà Nguyễn tại Huế.
Đài CÁC THÁNH TỬ ĐẠO nhà thờ Kim Long, Huế. Ảnh Trường Thăng
Mười
năm trước đây, lang thang một mình trên sân nhà thờ Kim Long Huế, tôi
rất ngạc nhiên khi thấy một bức bình phong, một bình phong công giáo! Ai
là tác giả, phong cách nầy hơi giống bức bình phong Khổng Miếu Hội An.
Chắc là của Họa sĩ Tôn Thất Sa thôi. Tôi đoán không sai, Kim Long là xứ
đạo của họa sĩ và nhờ đó tôi tìm ra ngôi nhà và những người thân. Bức
bình phong đó mang dáng dấp cổ truyền nhưng họa sĩ đã Ki tô hóa nhiều
chi tiết trang trí chẳng hạn rồng chầu Thánh Giá. Thánh giá lại nằm trên
chữ thọ. Cùng với ông bạn chí thân J.M Nguyễn Văn Thích, hai người để
lại những kỷ niệm quý giá cho giáo xứ nầy.
Tại trụ cổng nhà thờ có câu đối của cha Sản Đình.
Thuyền ngược, nước xuôi , đời khó xử.
Trời nhào, đất lộn, đạo không lay.
Tiếc làm sao cho công trình cuối đời của họa sĩ Tôn Thất Sa tại Khổng Miếu Hội An đã không được hậu thế trân trọng, giữ gìn.
Cho
đến nay chắc nhiều hình ảnh còn lưu giữ đâu đó về tấm bình phong nầy.
Riêng tôi từ năm năm nay, được về sống ở Hội An dù cố công tìm tòi mà
chưa gặp những hình ảnh bình phong năm xưa. Gia đình anh Vĩnh Tân đã gìn
giữ bao tấm ảnh quý cho thành phố mà cũng không có ảnh màu.
Nhiều
bức bình phong tại Huế và vùng lân cận ngày nay hao hao giống bức nầy,
phải chăng những người chế tác là con cháu các “ tay thợ điêu luyện Đế
đô năm xưa”, những người đã thực hiện và dựa vào tài liệu của cố họa sĩ
mà truyền nghề cho cháu con?
Trong
khi chờ đợi, xin bà con tạm coi mấy tấm ảnh mà tôi còn lưu giữ để xem
qua cho biết và so sánh với tác phẩm hiện nay tại Khổng Miếu Hội An.
KHỔNG MIẾU HỘI AN năm 1970. Ảnh Trường Thăng.
KHỔNG MIẾU HỘI AN ngày nay. Ảnh Trường Thăng.
Vì
kỷ thuật quá “ thô sơ ” nên hình ảnh không được sắc nét và hơi méo mó.
Bà con thông cảm. Tuy nhiên : Có còn hơn không, có còn hơn không!
BÌNH PHONG KHỔNG MIẾU HỘI AN ngàynay
BÌNH PHONG KHỔNG MIẾU HỘI AN 1962.
Chi tiết LONG MÃ PHÙ ĐỒ của hoạ sĩ TÔN THẤT SA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét